Ở thời đại công nghiệp 4.0, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành một phần không thể tách rời của đời sống xã hội, thay thế một số hoạt động thương mại truyền thống. Thời điểm diễn ra dịch COVID-19 vừa qua mới thấy TMĐT thể hiện rõ thế mạnh vốn có của mình, vừa giảm giao dịch trực tiếp vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và nhân dân.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng ở tốp khá về phát triển TMĐT. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam năm 2019, chỉ số TMĐT của Thái Nguyên tăng 13 bậc so với năm 2017, đứng thứ 31 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2016, Thái Nguyên iđã xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT; hỗ trợ các DN về TMĐT; xây dựng hệ thống các sàn giao dịch TMĐT; phát triển hạ tầng trong TMĐT…
Về nội dung này, chủ công thực hiện là Sở Công Thương. Những năm qua, Sở này đã xây dựng thành công đề án nghiên cứu thị trường xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và điện tử. Trong đó, đáng chú ý là đã hoàn thiện tiêu chí về nhãn mác, bao bì, mã số, mã vạch, mã QRcode để sản phẩm của tỉnh có thể tham gia các chuỗi cung ứng lớn trên thị trường.
Sở Công Thương đã triển khai hệ thống trực tuyến cập nhật thông tin, số liệu xuất, nhập khẩu để có những dự báo kịp thời giúp DN hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó còn xuất bản bản tin kinh tế công thương hàng tháng và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở nhằm cung cấp thông tin thị trường quốc tế, trong nước cho người dân và DN. Ngoài ra, phần mềm quản lý DN và quản lý xuất khẩu được xây dựng tích hợp trên trang thông tin điện tử của Sở. Việc ứng dụng TMĐT được thể hiện thông qua Sàn giao dịch TMĐT. Đến nay, đã có gần 1.000 đơn vị tham gia với khoảng 3 triệu lượt truy cập, giúp DN quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm và góp phần thúc đẩy mua sắm qua mạng của người dân. Hiện nay, Sàn giao dịch TMĐT được nâng cấp thêm mô hình B2C bán lẻ trực tiếp sản phẩm, góp phần đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Mấy năm gần đây, đã có 18 DN của tỉnh được hỗ trợ xây dựng Website riêng; 6 DN được tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín; 10 DN được xây dựng, phát triển thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực… Đặc biệt, ngành Công Thương đã xây dựng được website chè tích hợp truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trà của tỉnh.
Tuy vậy, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực TMĐT như: Không đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng nhập khẩu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại. Gần đây, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 7 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính, tịch thu và tiêu hủy hàng hóa với tổng số tiền gần 680 triệu đồng. Lực lượng Thanh tra Sở Công Thương xử lý một vụ với số tiền phạt 30 triệu đồng.
Với đa số các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, việc sử dụng giao dịch TMĐT là phù hợp và hiệu quả nhất trong thời đại 4.0. Chính TMĐT sẽ giúp DN đẩy mạnh hoạt động tham gia thị trường, giới thiệu, quảng bá và bảo vệ thương hiệu của mình.
Post Views: 493