Thay đổi thói quen trong bối cảnh mới
“Sống ở thành phố quen rồi, cái gì cũng nhanh, cũng tiện, mua sắm gì quẹt thẻ, chuyển khoản là xong. Nên nhiều khi phải đi công tác hay có việc gì đó ở nông thôn, mình rất ngại. Có khi mua bao thuốc hay những đồ lặt vặt, phải chờ người bán đi đổi tiền lẻ mất cả buổi để trả lại, rất mất thời gian,…”, anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Trên thực tế, không chỉ ở những vùng nông thôn mà tại thành thị, cả ở những thành phố lớn, vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ người dân xa lạ với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thậm chí, nhiều người còn có tâm lý cho rằng, cứ thanh toán không dùng tiền mặt là quẹt thẻ ngân hàng. “Mình có đi đâu đâu mà phải quẹt thẻ, đi chợ không thì quẹt thẻ cho ai?”, chị Nguyễn Thị Bảy (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ lý do vì sao cho đến thời điểm hiện tại, chị vẫn chưa sử dụng bất kỳ thẻ thanh toán ngân hàng nào cũng như chưa cài một app thanh toán, ví điện tử nào trên điện thoại. Trên thực tế, không chỉ đi chợ, chị Bảy cũng có nhu cầu thanh toán các khoản sinh hoạt phí hàng ngày như điện, nước, điện thoại… cho các thành viên trong gia đình. Mỗi lần đến hạn là một lần chị Bảy phải lặn lội đến tận điểm giao dịch của các công ty, rất mất thời gian, nhiều lần quá hạn, bị “khóa” dịch vụ còn phiền hơn. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, chị Bảy cũng như nhiều bà nội trợ khác dần “ngấm” tầm quan trọng của việc thanh toán không tiền mặt mà báo, đài vẫn thường hay nhắc tới.
Theo số liệu thống kê, hiện vẫn còn tới hơn 40% dân số trưởng thành Việt Nam vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Đây cũng chính là tệp khách hàng tiềm năng của thị trường “tiền điện thoại” Mobile money – đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trong suốt thời gian qua.
Cơ hội dành cho tất cả mọi người
Với việc Nhà nước chính thức cho phép triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán Mobile Money trên toàn quốc vừa qua, đã tạo cơ hội cho mọi người dân, bao gồm những người như anh Anh, chị Bảy có thể giải quyết những khúc mắc trong việc thanh toán giao dịch hàng ngày của mình một cách dễ dàng. Đây là dịch vụ thanh toán dựa trên thuê bao di động, đặc biệt thuận lợi cho những giao dịch, hàng hóa có giá trị nhỏ mà không cần tài khoản ngân hàng hay sóng wifi, 3G/4G.
Chị Bảy cho biết, cuối tháng vừa rồi khi đi thanh toán tiền điện thoại trả sau VinaPhone cho gia đình tại điểm giao dịch, chị được nhân viên VNPT giới thiệu, hướng dẫn cài đặt và sử dụng VNPT Mobile Money. Ban đầu chị còn thấy ngại vì “mình đâu biết gì công nghệ, cài đặt hướng dẫn các thứ sợ không làm nổi”. Nhưng sau khi được hướng dẫn, chị hoàn toàn yên tâm. “Chỉ cần nạp tiền vào tài khoản VNPT Mobile Money, sau đó lúc nào cần thì cũng có thể thanh toán điện nước, điện thoại, học phí cho con các kiểu một cách dễ dàng trên điện thoại của mình. Vừa kiểm soát được chi tiêu mà tiết kiệm thời gian đi lại, không phải lo quá hạn, không phải lo Covid mà còn bớt đi phần mệt mỏi. Rồi thì cũng có thể bắn tiền cho bố mẹ để các cụ thuận lợi chi tiêu nữa”. Được biết, sau khi được hướng dẫn chi tiết, chị Bảy cũng đã về đăng ký cài đặt VNPT Mobile Money cho bố mẹ đẻ của mình. Với việc có thể thao tác thanh toán thông qua bàn phím thoại (giao thức USSD *9191#), các cụ cũng có thể sử dụng dịch vụ dễ dàng.
Theo ghi nhận, những ngày vừa qua, ngay sau khi được cấp phép triển khai dịch vụ, tại hầu hết các điểm giao dịch của VNPT, số lượng người dân đến đăng ký tài khoản Mobile Money không ngừng tăng. Trên kênh online, số lượng tài khoản mới của nhà mạng này cũng liên tục “nhảy số” một cách ấn tượng. Tính đến thời điểm này , số liệu của VNPT cho thấy sơ bộ sau nửa tháng triển khai Mobile Money, đã có gần 20.000 thuê bao đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ này, phản ánh tín hiệu tích cực ban đầu từ kênh thanh toán không tiền mặt mới.
“Đã có sự chuẩn bị từ rất lâu trước đó, về cơ sở hạ tầng, về nhân lực, … nên ngay khi được cấp phép, VNPT đã lập tức triển khai dịch vụ VNPT Mobile Money trên cả nước. Khách hàng cũng đã được truyền thông từ trước nên khá hào hứng và cởi mở với dịch vụ này. Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới, Mobile Money sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động mua sắm, giao dịch của người dân”, đại diện VNPT chia sẻ.