TTO – Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận sáp nhập hai nhà mạng T-Mobile và Sprint dưới tên gọi T-Mobile và chấm dứt tên gọi Sprint trên thị trường.
Theo Đài CBS, Bộ Tư pháp Mỹ hôm 26-7 đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận sáp nhập hai nhà mạng T-Mobile và Sprint, có giá trị lên đến 26,5 tỉ USD, sau nhiều năm đàm phán. Thỏa thuận được chấp nhận sau khi hai nhà mạng đồng ý sẽ thiết lập nhà sản xuất truyền hình vệ tinh Dish, trở thành nhà cung cấp mạng không dây, cạnh tranh với Verizon, AT&T và công ty mới của T-Mobile và Sprint.
Điều này dẫn đến việc Mỹ chỉ còn lại 3 nhà mạng viễn thông, thay vì 4 nhà mạng viễn thông như trước. Thương vụ sáp nhập khủng này đã hợp nhất hai nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây lớn thứ 3 và thứ 4 tại Mỹ.
Sprint được định giá 26 tỉ USD căn cứ vào giá cổ phiếu ở thời điểm chốt phiên gần nhất, còn T-Mobile được định giá 55 tỉ USD. Chủ sở hữu của T-Mobile là Deutsche Telekom sẽ nắm giữ 42% cổ phần trong công ty, còn phía Sprint là SoftBank sẽ nắm giữ 27%, các bên liên quan sẽ nắm giữ phần cổ phần còn lại.
Công ty sáp nhập sẽ có tên T-Mobile, trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với hai nhà mạng khác là Verizon và AT&T.
T-Mobile và Sprint sẽ thoái vốn doanh nghiệp di động trả trước của Sprint, bao gồm Boost Mobile, Virgin Mobile và dịch vụ trả trước của Sprint. T-Mobile và Sprint cũng phải chia sẻ ít nhất 20.000 trang web di động và hàng trăm địa điểm bán lẻ với Dish, dựa theo các điều khoản của thỏa thuận.
Dish sẽ có quyền truy cập vào mạng của T-Mobile trong bảy năm, trong quá trình xây dựng mạng 5G của riêng mình. Ngoài ra, Dish sẽ bắt đầu thâm nhập vào thị trường ngay lập tức, theo điều khoản trong thỏa thuận ban đầu công ty này sẽ có 9 đến 10 triệu khách. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Makan Delrahim cho biết: “Đây không phải là một dự án khởi nghiệp”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng Dish rất khó để thay thế Sprint như một công ty độc lập, và việc thành lập Dish như một nhà mạng mới không thể giải quyết được vấn đề về cạnh tranh khi giá dịch vụ cao hơn, người lao động mất việc làm và người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn.
Trước đó, T-Mobile và Sprint từng cam kết với Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) rằng sẽ cung cấp mạng 5G cho 99% người Mỹ trong sáu năm hoàn tất thỏa thuận, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận băng thông rộng cho người tiêu dùng. Hai công ty cũng nhất trí không tăng cước viễn thông trong ba năm.
Ông John Legere, tổng giám đốc điều hành của T-Mobile, sẽ giữ cương vị đứng đầu công ty mới sau sáp nhập.
Trong buổi họp báo công bố sự kiện ngày 29-4, ông Legere cho biết T-Mobile cam kết sẽ cung cấp “mạng lưới có năng lực dịch vụ cao nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Cũng theo ông Legere, công ty ông sẽ tuyển dụng hàng ngàn nhân viên nhằm tạo ra mạng lưới toàn quốc, đưa Mỹ trở thành nước đi đầu trong cung cấp dịch vụ kết nối mạng 5G.