Một nhóm nhà nghiên cứu Úc thử nghiệm thành công tốc độ dữ liệu kỷ lục thế giới là 44,2 Terabits mỗi giây (Tbps) từ nguồn sáng duy nhất.
Được công bố trên tạp chí uy tín Nature Communications, nghiên cứu này không chỉ có khả năng đẩy nhanh 25 năm năng lực viễn thông của Úc mà còn có thể giúp mô hình công nghệ mới triển khai trên toàn thế giới. Công nghệ có khả năng hỗ trợ các kết nối internet tốc độ cao cho 1,8 triệu hộ gia đình của Melbourne (Úc) trong cùng lúc cũng như hàng tỉ người trên khắp thế giới trong những lúc cao điểm.
Theo nhà cung cấp dịch vụ phân phối nội dung Akamai, tốc độ băng thông rộng trung bình ở Úc là khoảng 11 megabit/giây (1 terabit tương đương 1 triệu megabit). Vì vậy, kết nối 44,2 Tbps mới nhanh hơn 4 triệu lần so với tốc độ trung bình 11Mbps.
Thông thường những thử nghiệm với quy mô lớn như vậy được giới hạn trong phòng thí nghiệm. Nhưng ở trường hợp này, các nhà nghiên cứu đã đạt được tốc độ đường truyền kỷ lục bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng truyền thông hiện có, giúp họ có thể kiểm tra khả năng chịu tải của đường truyền một cách hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu gồm tiến sĩ Bill Corcoran (Đại học Monash), Giáo sư Arnan Mitchell (Đại học RMIT) và Giáo sư David Moss (Đại học Swinburne) đã sử dụng một thiết bị mới thay thế 80 tia laser bằng con chip micro-comb duy nhất, nhỏ và nhẹ hơn các thiết bị viễn thông hiện có. Nó được tích hợp và thử khả năng chịu tải bằng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, tương tự như cơ sở hạ tầng được sử dụng bởi Mạng lưới băng thông rộng quốc gia của Úc (NBN).
Được biết, đây là lần đầu tiên một chip micro-comb được thử nghiệm thực tiễn và truyền được lượng dữ liệu cao nhất từ chip quang duy nhất.
Để minh họa khả năng của các tổ hợp quang học từ micro-comb đối với việc tối ưu hóa các hệ thống thông tin liên lạc, các nhà nghiên cứu đã lắp đặt 76,6 km sợi quang “tối” kết nối Khuôn viên của Đại học RMIT tại thành phố Melbourne và Đại học Monash. Các sợi quang được cung cấp bởi Công ty Mạng nghiên cứu học thuật Úc (AARNet).
Trong các sợi quang này, các nhà nghiên cứu đã đặt thiết bị micro-comb – được cung cấp bởi Đại học Swinburne, hoạt động giống như một chiếc cầu vồng được tạo thành từ hàng trăm tia laser hồng ngoại chất lượng cao chỉ từ một con chip. Mỗi “tia laser” đóng vai trò như một kênh liên lạc riêng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-nghe/uc-dat-ky-luc-internet-nhanh-nhat-the-gioi-1232171.html
Thegioigoicuoc.com
Chuyên trang tư vấn gói cước các nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Thông tin khách quan, đầy đủ và chi tiết.
Gói cước Vinaphone – Gói cước Viettel – Gói cước Mobifone
Post Views: 275