Tàu không gian đầu tiên chở hai phi hành gia Mỹ đến Trạm không gian quốc tế (ISS) trong gần một thập niên đã quay về Trái đất an toàn vào rạng sáng 3.8 sau khi bung dù xuống vùng biển ngoài khơi bang Florida.
Do hãng SpaceX và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp thực hiện, sự thành công của sứ mệnh lần này cho thấy Mỹ một lần nữa có thể đưa phi hành gia lên không gian và quay về Trái đất.
Tàu Crew Dragon Endeavour của SpaceX đã bung dù xuống vùng biển ngoài khơi thành phố Pensacola, bang Florida của Mỹ, vào 1 giờ 48 rạng sáng 3.8, trong tình trạng toàn bộ 4 dù chính được triển khai.
Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ Mỹ đáp xuống nước trong vòng 45 năm, kể từ chuyến cuối cùng là Apollo-Soyuz vào năm 1975.
“Thật sự là niềm vinh dự khi chúng tôi được tham gia sứ mệnh lần này”, AFP dẫn lời phi hành gia Doug Hurley, một trong hai người có mặt trên tàu Crew Dragon. Người còn lại là phi hành gia Bob Behnken.
Khoang đáp SpaceX đưa phi hành gia về trái đất thành công
|
Việc mở cửa khoang tàu bị hoãn lại trong một thời gian ngắn để đội ngũ trên mặt đất ngăn chặn một vụ rò rỉ khí nhiên liệu tên lửa.
Khoảng 1 giờ sau khi Crew Dragon hạ cánh xuống nước, hai phi hành gia rời khỏi tàu và được đưa lên bờ bằng trực thăng.
“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của các chuyến bay vũ trụ chở người”, theo người đứng đầu NASA Jim Bridenstine.
“Điều này chỉ là khởi đầu: chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc hành trình đưa người lên quỹ đạo thấp của Trái đất, lên mặt trăng và kế đến là sao Hỏa”, Chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell hồ hởi phát biểu.
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu không gian Crew Dragon rời bệ phóng hôm 30.5 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng chúc mừng các phi hành gia đã quay về Trái đất an toàn sau sứ mệnh lịch sử kéo dài 2 tháng.
Mỹ buộc phải mua chuyến trên tàu Soyuz của Nga sau khi chương trình tàu con thoi kết thúc vào năm 2011.
Sứ mệnh cũng đánh dấu thắng lợi to lớn cho công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk. Được sáng lập vào năm 2002, SpaceX vượt qua Boeing để trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên quỹ đạo.
Post Views: 263