Tổng thống Donald Trump nói chính phủ nên được phần lớn từ thương vụ TikTok

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn một phần đáng kể từ việc bán TikTok phải được chuyển vào Bộ Tài chính Mỹ vì chính quyền của ông đã thúc đẩy khả năng diễn ra thỏa thuận này.
Ông Trump trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 3.8 nói rằng chính phủ nên nhận được “phần trăm lớn” từ việc bán mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ bất kể số tiền bán được là bao nhiêu, đồng thời đe dọa sẽ khiến ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance ngưng hoạt động ở Mỹ nếu nó không được bán trước hạn cuối vào ngày 15.9, theo Reuters.

Ông Trump lại đổi ý, cho bán TikTok nhưng muốn thu một phần tiền về ngân sách

“Chính phủ nên nhận được phần lớn từ giá bán bởi vì chúng tôi đang làm cho thương vụ này trở nên có thể. Tôi sử dụng cách so sánh giống như mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nhà. Nếu không có hợp đồng cho thuê, người thuê sẽ không nhận được giá trị nào. Và theo một cách chắc chắn, “hợp đồng cho thuê” của chúng ta đã tạo nên thành công lớn của TikTok. Đó là điều rất công bằng khi chúng tôi không muốn có vấn đề an ninh với Trung Quốc. Nó phải là một công ty Mỹ, nó phải được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, và nó phải được sở hữu ngay tại Mỹ”, ông Trump nói.
Theo South China Morning Post, ông Trump trước đó cho biết ông không phản đối Microsoft hay bất kỳ một công ty nào khác có trụ sở tại Mỹ mua lại TikTok, nhưng mọi hoạt động trao đổi phải hoàn thành trước ngày 15.9. Hiện ngoài Microsoft, có ít nhất hai người mua khác trong lĩnh vực công nghệ đang đàm phán với ByteDance, một nguồn thạo tin yêu cầu giấu tên chia sẻ.
Thông tin về việc ByteDance bán các hoạt động của TikTok ở Mỹ bắt đầu nóng lên kể từ tháng 6.2020 trong bối cảnh rõ ràng rằng nếu muốn kinh doanh tại Mỹ, ứng dụng chia sẻ video ngắn phải cắt đứt quan hệ với chủ sở hữu Trung Quốc. Không lâu sau đó, Quốc hội Mỹ tiến tới với một dự luật cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp.

Trung Quốc nổi giận về thương vụ Microsoft mua TikTok

“Nếu chính phủ Mỹ thực sự thành công trong việc buộc ứng dụng truyền thông xã hội toàn cầu của Trung Quốc phải thoái vốn khỏi các hoạt động tại Mỹ, thì điều đó sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm tiềm tàng. Về cơ bản, Mỹ đã nói rằng bất kỳ công ty nào có kết nối Trung Quốc đều không thể hoạt động ở Mỹ nếu vẫn giữ mối quan hệ với công ty mẹ ở Trung Quốc, vì vấn đề quyền riêng tư, kiểm duyệt hoặc tiềm năng sử dụng dữ liệu người dùng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chính trị của Mỹ”, Paul Triolo, người đứng đầu về chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group, nói.
TikTok không phải là trường hợp đầu tiên gặp phải tình huống này. Tháng 6.2020, Grindr, ứng dụng hẹn hò đồng tính có trụ sở ở California, đã được bán cho một nhóm các nhà đầu tư Mỹ sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan chính phủ của Bộ Tài chính Mỹ, gây áp lực lên công ty mẹ Beijing Kulun Tech ở Trung Quốc, trích dẫn lo ngại về an ninh quốc gia, theo South China Morning Post.
Một đại diện của ByetDance cho biết hôm 3.8, TikTok đang dự tính chuyển trụ sở chính từ California đến London.
Chia sẻ:
Trò chuyện cùng chúng tôi