“Không có lây nhiễm quy mô lớn và không được phát hiện trong cộng đồng ở New Zealand. Chúng ta đã giành chiến thắng trong cuộc chiến đó”, Thủ tướng New Zealand nói.
Tính đến nay, quốc gia 5 triệu dân ghi nhận tổng cộng 1.122 ca nhiễm, trong đó 19 người chết và 1.180 người đã hồi phục. Trong 24 giờ qua, New Zealand chỉ thêm 1 ca bệnh.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói nước này đã chiến thắng đại dịch Covid-19. (Ảnh: AFP) |
Tuy nhiên, bà Ardern cho biết vẫn duy trì mức cảnh báo cấp độ 3 và không mạo hiểm đánh đổi những thành quả đã đạt được với sức khỏe của dân New Zealand
“Mọi người đều muốn nối lại những mối liên hệ xã hội đã bị bỏ lỡ. Song để tự tin làm điều đó, chúng ta phải hành động từ tốn và thận trọng”, bà nói.
Thụy Điển mong đạt “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 5
Khách dùng đồ uống và trò chuyện tại một quán ngoài trời ở thủ đô Stockholm, Thụy ĐIển, ngày 22/4. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 26/4, Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Olofsdotter tin rằng đa số dân Stockholm sẽ nhiễm virus corona, từ đó đạt “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 5.
“Khoảng 30% dân số Stockholm đã đạt một mức độ miễn dịch nhất định. Chúng tôi có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ở thủ đô vào đầu tháng tới”, Đại sứ Thụy Điển nói.
Theo Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển (Folkhalsomyndigheten), nước này hiện ghi nhận 18.640 ca nhiễm, trong đó 2.194 ca tử vong. Nếu so sánh số liệu với các quốc gia Bắc Âu khác, tình hình dịch bệnh tại đây không tốt lắm.
Thụy Điển được coi là quốc gia có cách chống dịch đi ngược lại với thế giới, khi vẫn cho phép các trường học, nhà hàng và trung tâm thương mại mở cửa. Nước này cũng ban hành các hướng dẫn cách biệt cộng đồng, khuyến cáo hạn chế đi lại không cần thiết và đề nghị những người trên 70 tuổi ở nhà. Giới chức cũng cấm các cuộc tụ tập hơn 50 người và các chuyến thăm viện dưỡng lão.
Đại sứ Olofsdotter thừa nhận vẫn cần thêm các nghiên cứu và thử nghiệm để tìm ra câu trả lời về khả năng miễn dịch với Covid-19, nhưng tin rằng chiến lược hướng tới “miễn dịch cộng đồng” của Thụy Điển đang gặt hái thành công, giúp nước này chống lại nCoV mà không cần áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
“Miễn dịch cộng đồng” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine. Một số chuyên gia tin rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng của Covid-19 là khi 60% dân số bị nhiễm virus.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy người phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 thực sự đạt khả năng miễn dịch trước loại virus này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giả thuyết người nhiễm nCoV có thể đạt được miễn dịch vẫn chưa được chứng minh, đồng thời khuyến cáo các quốc gia không nên cấp “giấy chứng nhận miễn dịch” cho người từng nhiễm virus corona do tình trạng tái dương tính.