Trước đây ý tưởng tạo ra ứng dụng để người dùng tải xuống và theo dõi các cuộc gặp gỡ của họ với người khác là rất đáng lo ngại về quyền riêng tư. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, suy nghĩ này đã thay đổi.
Đề xuất ở đây là sử dụng điện thoại thông minh của chúng ta để theo dõi các mối liên hệ thông qua công nghệ. Trong một bài báo quan trọng của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) đăng tải trên tạp chí khoa học Science, họ khuyến nghị sử dụng hình thức giám sát này để có hiệu quả cao nhất. Ngay cả cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu châu Âu cũng đã ủng hộ việc đưa ra một ứng dụng giám sát tương tự trên toàn châu Âu.
Thực tế, sau khi Singapore và Hàn Quốc đưa vào sử dụng các ứng dụng lần theo dấu vết các mối liên hệ hằng ngày để kiểm soát lây lan của Covid-19, đến lượt chính phủ Pháp và Anh (thông qua dịch vụ y tế quốc gia) cũng đang phát triển các ứng dụng truy vết của riêng họ. Và người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết phương pháp này “đang được đánh giá tích cực” sau khi thử nghiệm ở một số khu vực bờ biển Mỹ.
Mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn cả là sự hợp tác chưa từng có trên một nền tảng có thể tương tác giữa Apple và Google, họ đã kết hợp cùng nhau trong hai tuần và chính thức công bố sự hợp tác đó vào hôm 10.4, tạo tiền đề cho một hệ thống theo dõi sự liên hệ giữa người với người trên toàn cầu rất mạnh mẽ và đầy tiềm năng.
Ý tưởng theo dõi (truy vết) mối liên hệ này tương đối đơn giản. Khi ai đó bị nhiễm bệnh, nhân viên y tế công cộng cần biết người đó đã liên hệ gần đây với ai để có thể xác định vị trí, xét nghiệm và có thể cách ly cộng đồng nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Cách thức truy vết truyền thống và hiện đại
Trong nhiều năm trước, kỹ thuật này đòi hỏi sự vất vả khi phải phỏng vấn bệnh nhân về lộ trình di chuyển của họ, kiểm tra chéo với các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn… để xác định những người tiếp xúc với bệnh nhân. Đây cũng là cách mà người ta dùng để theo dõi đường lây lan của HIV, Ebola và sởi. Tuy nhiên, thách thức của phương pháp này là sự thành thật của người bệnh khi khai báo và mất nhiều thời gian cũng như nguồn lực.
Tại Vũ Hán (Trung Quốc), có tới 9.000 nhà dịch tễ học đã phải thực hiện nhiệm vụ truy vết này và làm việc theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 người để dò theo lịch sử liên hệ của người bệnh với cộng đồng. Một nguồn lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh trong khi tính khả thi và hiệu quả sẽ giảm xuống nếu số người mắc bệnh tăng.
Đây là lúc kỹ thuật số cần xuất hiện để hỗ trợ, nếu sử dụng các ứng dụng theo dõi qua smartphone thì những dấu vết và mối liên hệ đó có thể được tìm thấy gần như ngay lập tức. Bất cứ ai đã tiếp xúc với bệnh nhân – dùng chung thang máy hoặc văn phòng, xe buýt hoặc xe lửa – đều nhận được tin nhắn hướng dẫn họ cách kiểm tra y tế khẩn cấp. Trong một cuộc khảo sát ở Anh, có khoảng ba trong số bốn người được hỏi cho biết họ chắn chắn hoặc có thể cài đặt loại ứng dụng này nếu cần.
Ngay bây giờ, hầu hết người Mỹ và nhiều công dân tại các nước khác đều đang phải chịu sự cách ly xã hội bằng cách chuyển sang sinh hoạt tại nhà để giảm thiểu tiếp xúc xã hội, để giữ an toàn cho mọi người vì không ai biết ai đã bị nhiễm và ai không bị, biện pháp cách ly xã hội này đưa ra với ý tưởng bất cứ ai cũng có thể nhiễm Covid-19. Nhưng nếu cài đặt ứng dụng truy vết và có kiểm tra y tế tốt ngay từ đầu, có lẽ các chính quyền sẽ không còn phải đưa ra giải pháp “cực chẳng đã” này, bởi cách ly xã hội kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và sự căng thẳng chung của con người.
Ứng dụng truy vết qua điện thoại PEPP-PT của châu Âu |
Nhưng để theo dõi hiệu quả, thứ gắn kết giữa mọi người với nhau phải mang tính hiện diện liên tục và hiện nay đó là điện thoại thông minh. Hiện ở Mỹ, có khoảng 80% người dân sở hữu điện thoại thông minh, tỷ lệ này thay đổi theo từng quốc gia nhưng nó vẫn là thiết bị được nhiều người sử dụng nhất hiện nay. Vấn đề là làm sao để mọi người có thể chia sẻ lộ trình và dấu vết “điện tử” của họ qua điện thoại?
Lúc này, Apple và Google đã lên tiếng nói. Không giống như các công ty khởi nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các sáng kiến từ các trường đại học, các công ty này đã có một lượng lớn người dùng quan trọng và rộng rãi hơn bất cứ phần mềm nào. Chỉ cần một bản cập nhật phần mềm, khoảng 3 tỉ điện thoại trên toàn cầu có thể bổ sung tính năng theo dõi truy vết.
Nhưng nó kéo theo nhiều mối quan ngại về sự giám sát vị trí này, bởi niềm tin vào ngành công nghệ đã sụt giảm nghiêm trọng từ trước khi Covid-19 xuất hiện. Trong trường hợp xấu, các chuyên gia về quyền riêng tư lo ngại việc theo dõi có thể kéo dài sau khi dịch bệnh kết thúc và trở thành một tiền lệ xấu về cấu trúc xã hội.
Nhưng thực tế thì dù cho phép hay không nhưng Bộ An ninh nội địa Mỹ thông báo rằng họ đã mua dữ liệu vị trí điện thoại di động từ các công ty tư nhân để cho Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) giám sát và phát hiện những người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi ở Israel, để đối phó với đại dịch Corona chủng mới, chính phủ nước này đã khai thác dữ liêu vị trí điện thoại di động từ cơ quan tình báo trong nước để truy vết các tiếp xúc xã hội. Tại Hàn Quốc, chính phủ cũng phát đi các cảnh báo qua điện thoại về những người bị nhiễm ở gần đó, bao gồm họ tên, tuổi tác và địa điểm của người bệnh. Trong khi ở một số khu vực tại Trung Quốc, một thuật toán được tích hợp trong các ứng dụng ví điện tử để xác định rủi ro sức khỏe của người dùng, từ đó xác định xem liệu họ có quyền tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng hay không.
Các sáng kiến dữ liệu dựa trên vị trí mà chúng ta đã thấy ở Mỹ hiện vẫn dựa vào dữ liệu vị trí tổng hợp theo hình thức ẩn danh, một loại tương tự được dùng hằng ngày trên Google Maps để xác định mật độ giao thông, nhưng dữ liệu này không cung cấp các địa điểm và lộ trình cụ thể của từng cá nhân do lo ngại về quyền riêng tư. Nhưng trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát, có thể các quyền tự do dân sự phải nhường bước cho các ứng dụng truy vết để ưu tiên kiểm soát sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, bất kỳ sự xâm phạm nào vào quyền tự do dân sự đều phải có sự hiệu quả tương xứng.
Việc sử dụng dữ liệu vị trí GPS được coi là quá lộ liễu, giải pháp an toàn mà một số dự án hiện nay đang sử dụng là dùng tín hiệu Bluetooth. Hệ thống sẽ sử dụng các điện thoại để phát các tín hiệu ẩn danh qua Bluetooth. Các điện thoại khác trong vùng lân cận nhận và lưu trữ các tín hiệu được gắn cờ, chúng thường xuyên thay đổi và phát ra tín hiệu riêng. Quá trình này tạo ra một bản ghi của hai điện thoại khi tiếp xúc gần nhau, nhưng chỉ được biết đến dưới dạng 2 điện thoại mà thôi.
Nếu một người nào đó xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19, các quan chức y tế có thể yêu cầu người bệnh gửi hồ sơ của họ đến một máy chủ phát sóng tới các điện thoại khác và cảnh báo cho bất cứ điện thoại nào có hồ sơ trùng khớp với người bệnh, tức là có lịch sử tiếp xúc gần với người bệnh thông qua lịch sử khoảng cách giữa hai điện thoại, để khuyến khích họ đi xét nghiệm y tế.
Hệ thống truy vết chung của Apple và Google
Các điện thoạt sẽ phát cờ hiệu Bluetooth để nhận biết khi ở gần nhau là chìa khóa để giám sát tiếp xúc xã hội theo hệ thống mới của Apple và Google |
Các hợp tác của Apple và Google cũng dựa trên hình thức hoạt động của truy vết theo thẻ Bluetooth. Đầu tiên, họ cùng tạo ra một API chung để có thể tương tác với cả điện thoại chạy Android và iOS phục vụ mục đích theo dõi truy vết dựa trên Bluetooth cho các ứng dụng y tế cộng đồng. Dự kiến, API này sẽ sẵn sàng vào giữa tháng 5 tới, sau đó họ sẽ cập nhật chức năng theo dõi liên lạc riêng của họ vào các hệ điều hành tương ứng. Trong thời gian đó, sẽ cần các ứng dụng y tế cộng đồng đầy đủ chức năng để tận dụng chúng.
Nhược điểm của phương pháp truy vết qua Bluetooth là nó không theo dõi được việc lây truyền virus qua các bề mặt vật lý (các bề mặt tiếp xúc), đó cũng là lý do chúng ta nên khử trùng khi nhận các đơn hàng hằng ngày. Nhưng về góc độ riêng tư, nó lý tưởng để không tạo ra bản ghi chi tiết về nơi bạn đã ở hoặc thời gian ở, điều duy nhất nó thể hiện là liệu bạn có gặp phải ai đó dương tính với Covid-19 trong 14 ngày đã qua hay không và nó cũng không tiết lộ đó là ai.
Nó sẽ chỉ được chọn và tối thiểu hóa dữ liệu đi đến một máy chủ trung tâm. Apple và Google nói rằng họ không lưu trữ các dữ liệu về các cuộc gặp của người dùng và đã công bố các thông số kỹ thuật ban đầu để mọi người xem xét trên mạng. Việc hai gã khổng lồ điện thoại thông minh lớn đã xây dựng kiến trúc này có nghĩa là mọi đơn vị y tế và các cơ quan, chính phủ đều được khuyến khích giám sát dữ liệu y tế dựa trên kết quả hợp tác đó.
Vấn đề gây khó chịu chung cho các nhà phát triển là phiên bản hệ điều hành không đồng nhất, đặc biệt là Android. Hiện Android 10 mới chỉ phổ cập khoảng 31% thiết bị, trong khi nhiều thiết bị đang chạy Android 9 hoặc cũ hơn. Google nói rằng hệ thống theo dõi hợp tác này sẽ được phát hành thông qua Google Play và sẽ hỗ trợ từ Android 6.0 trở lên. Còn người dùng iOS may mắn hơn khi Apple kiểm soát gần như hoàn toàn đối với thiết bị của họ, chỉ cần hỗ trợ iOS 13 trở lên là đã cán mốc 80% thiết bị iOS trên toàn thế giới. Điều ám ảnh duy nhất còn lại là những người ít cập nhật thiết bị nhất (Android và cả iOS) thường là những người lớn tuổi, đây cũng là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.
Thông báo của Apple và Google có vẻ sẽ giúp giải quyết hai thách thức quan trọng: cung cấp khả năng theo dõi liên lạc cho nhiều người nhất có thể và thể chế hóa các thực tiễn bảo mật mạnh mẽ. Nhưng vẫn chưa rõ liệu mọi người sẽ chọn tham gia theo phương thức truy vết này hay không – cả hệ thống và ứng dụng y tế công cộng dựa trên API chung của họ.
Thách thức chính ở đây không hẳn là công nghệ – Apple và Google có thể có dữ liệu vị trí chi tiết hơn về các dấu vết tiếp xúc của người dùng. Nhưng thách thức là khiến cho công nghệ tuân thủ và tôn trọng quyền riêng tư, sau đó là chứng minh nó đủ để thuyết phục cho mọi người có thể an tâm sử dụng. Tất cả chúng ta đều có động cơ về sức khỏe để tuân thủ một biện pháp y tế cộng đồng đầy tham vọng này, nhưng để mua sự tin tưởng vào một hình thái giám sát mới đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhất là khi niềm tin vào ngành công nghệ đã bị xói mòn nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Cách tiếp cận này không thể thành công trừ khi nó đạt được sự chấp nhận rộng rãi, chứ không chỉ đơn độc mỗi nỗ lực chung của Apple và Google hay bất cứ cơ quan y tế nào khác.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-nghe/su-hop-tac-cua-apple-va-google-co-y-nghia-the-nao-trong-dai-dich-covid-19-1210763.html
Thegioigoicuoc.com
Chuyên trang tư vấn gói cước các nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Thông tin khách quan, đầy đủ và chi tiết.
Gói cước Vinaphone – Gói cước Viettel – Gói cước Mobifone
Post Views: 228