Gặp hoàn cảnh khó khăn và không có tiền để đóng phòng trọ, thầy giáo người nước ngoài đã buộc phải cầm bảng để cầu cứu mọi người xung quanh. Sau khi nhận được sự hỗ trợ, thầy giáo này chỉ lấy đúng phần tiền nhà trọ mà trước đó mình cần, số còn lại, ông xin quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Những ngày qua, thông tin về một thầy giáo người nước ngoài có tên John, quốc tịch Anh, 53 tuổi trú tại TP.HCM đứng trên vỉa hè với tấm bảng cầu cứu “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Xin cảm ơn!” đã gây xôn xao trên mạng xã hội.
Hình ảnh thầy giáo người Anh cầu cứu sự giúp đỡ từ mọi người trước đó. |
Được biết người đàn ông này đến Việt Nam năm 2003 để làm việc, sau 6 năm, ông trở về nước và đến năm 2015 lại tiếp tục quay lại Việt Nam và làm việc với tư cách một giáo viên tại các trung tâm tiếng Anh ở TP. HCM.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến tất cả các trường lớp ở TP.HCM đóng cửa từ sau Tết, John đã nghỉ việc dạy học của mình trong gần 3 tháng nay. Khi số tiền tiết kiệm không còn đủ để ông cầm cự, John bắt buộc phải hạ thấp mình để xin sự giúp đỡ của những người xa lạ ngoài đường.
Ông cho biết về nguyên nhân khiến mình phải hành động cầu cứu: “Do dịch Covid-19 phức tạp, các trường học và trung tâm phải tạm ngừng hoạt động, từ đó đến nay tôi thất nghiệp 3 tháng. Tiền trở về nước không có, tiền phòng trọ (6 triệu đồng/ tháng) và tiền visa (3 triệu đồng/ 4 tháng) khiến tôi khó khăn. Đến gần đây thì tiền ăn cũng không có, nên tôi phải đi xin”.
Theo VTC News, anh Lê Phong (trú tại Quận 8, TP.HCM) – người đầu tiên đăng tải hình ảnh của thầy John lên mạng xã hội Facebook cho hay, hôm nay, ngày 14/4, ông đã gửi lại anh số tiền quyên góp 36,3 triệu đồng. Ngay sau khi hoàn cảnh của ông được chia sẻ rộng rãi, nhiều người với tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ nhiệt tình, tổng số tiền mà thầy giáo Tây nhận được là 48,3 triệu đồng, thế nhưng ông John chỉ lấy đúng phần tiền thuê trọ (12 triệu đồng) và nhường số tiền còn lại cho những ai có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Nay thầy John đã có việc làm, chỉ nhận đủ số tiền mình cần, số còn lại gửi cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. (Ảnh: VTC News) |
Anh Lê Phong nói: “Thầy nhắn với mình: “Sau bức ảnh Mr Le chụp nhiều người đã đến tận nhà ủng hộ. Bây giờ tôi đã ổn, có việc làm. Tôi chỉ nhận đủ phần nhỏ thực phẩm và ít tiền. Số còn lại xin gửi Mr Le cho người khác.
Mình hỏi, nhiều ý kiến cho rằng không cổ vũ chuyện thất nghiệp là ăn xin? Thầy J.D. nói: “Để quyết định ra đường xin tiền phải vứt đi sĩ diện của một người dạy học”. Mình thấy, với số tiền thuê nhà 6 triệu đồng/ tháng và chi phí visa 3 triệu/ tháng thì thất nghiệp 3 tháng không có sự lựa chọn nào khác”, anh Lê Phong bộc bạch khi có một số người cho rằng thầy John đang lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Cũng theo anh Phong, hàng xóm từng thấy thầy John ra đầu hẻm để vay 100.000 đồng mua thực phẩm và ít đồ dùng sinh hoạt vào ngày 2/4, hứa qua mùa dịch sẽ hoàn đủ, thế nhưng ngay ngày hôm sau đã thấy ông trả nợ.
Lê Phong cũng bộc bạch thêm về thầy John: “Việc đi xin tiền, mỗi tuần thầy đi 1 – 2 lần, mỗi lần xin vừa đủ 200.000 đồng về nhà mua cá hộp, bánh mì để ăn, không xin hơn. Lần này, được ủng hộ 48,3 triệu đồng, ông xin được giữ lại 12 triệu đồng để đóng 2 tháng tiền nhà còn thiếu, 36,3 triệu đồng còn lại ông nhờ tôi chuyển đến những người nghèo hơn”.
Hiện nay, thầy John cũng đã ngừng lại việc tiếp nhận những tấm lòng hảo tâm vì đã thực sự có đủ số tiền mà ông cần. Đồng thời, người thầy giáo già cũng vô cùng cảm kích trước những con người lương thiện, nhân ái của đất nước Việt Nam.
Chuyên trang tư vấn gói cước các nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Thông tin khách quan, đầy đủ và chi tiết.
Gói cước Vinaphone – Gói cước Viettel – Gói cước Mobifone