Mọi người đều sẽ có quyền truy cập vào các công cụ theo dõi của Apple và Google, bất kể họ sử dụng phiên bản iOS hay Android nào. Nhưng không phải ai cũng dễ bị thuyết phục với hứa hẹn này.
Apple và Google đang hợp tác với nhau trong nỗ lực lớn nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 bằng cách xây dựng một framework chung để sử dụng tín hiệu Bluetooth từ điện thoại của người dùng để cảnh báo nếu họ đã tiếp xúc với một bệnh nhân dương tính với virus Corona chủng mới.
Dự án chung này tận dụng các thiết bị sở hữu hai trong số các hệ điều hành phổ biến nhất thế giới là iOS của Apple và Android của Google – để có khả năng tiếp cận hàng tỉ người trên thế giới. Các công cụ này sẽ sử dụng công nghệ sóng vô tuyến Bluetooth để hỗ trợ các ứng dụng của các cơ quan y tế cộng đồng nhằm truy vết Covid-19.
Theo các tuyên bố đã đưa ra, Google và Apple sẽ bắt đầu phát hành các bản cập nhật vào tháng 5 tới. Trong đó, hai công ty đã lên kế hoạch xây dựng và tích hợp tính năng truy vết vào hệ điều hành di động của họ, xây dựng các ứng dụng y tế công cộng nhằm tận dụng tính năng này. Khi đã trở thành một phần của hệ điều hành, việc theo dõi sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhưng điều đó sẽ yêu cầu mọi người phải cập nhật phần mềm điện thoại của họ, một vấn đề khiến nhiều người dùng cảm thấy không thực sự thoải mái và ngành công nghiệp lo ngại. Bởi suy cho cùng, một công cụ phần mềm chỉ thực sự hiệu quả với những người có thể tiếp cận được chúng.
Việc đẩy các bản cập nhật vào các điện thoại chạy Android là một thách thức không nhỏ vì chúng được sản xuất bởi nhiều nhà cung cấp phần cứng khác nhau, thường phải mất thời gian kiểm tra tính tương thích trước khi được phê duyệt. Sự rườm rà này đã tạo ra sự phân mảnh cho Android nói chung. Trong khi đó, quá trình cập nhật của Apple đơn giản hơn rất nhiều, nhưng ngay cả nhà sản xuất iPhone cũng không thể sở hữu 100% người dùng cập nhật phiên bản iOS mới nhất, thậm chí họ cũng không thể ép số người dùng đang ở phiên bản iOS kế đó cập nhật lên phiên bản mới.
Do vậy, Google sẽ cập nhật để kích hoạt công cụ theo dõi nhưng theo cách khác với bản cập nhật hệ điều hành thông thường. Thay vào đó, họ sẽ cập nhật thông qua công cụ (dịch vụ) có tên là Google Play Services, cho phép Android khắc phục một số vấn đề phân mảnh bằng cách đẩy các bản cập nhật trực tiếp mà không cần sự chấp thuận của các đối tác thiết bị và thông qua giao thức OTA. Đây cũng là cách mà họ thường dùng để cập nhật các ứng dụng của riêng họ như Gmail hay Google Maps. Hiện nay hãng cho biết công cụ truy vết virus gây dịch Covid-19 này sẽ hỗ trợ các hệ điều hành từ phiên bản Android 6.0 Marshmallow trở lên.
Theo CNET, dù dễ hơn trong việc cập nhật các thiết bị iOS nhờ việc kiểm soát hoàn toàn hệ sinh thái đóng của họ, nhưng Apple cũng đang phải xem xét làm thế nào để có thể cập nhật tính năng này cho càng nhiều thiết bị iOS càng tốt, tất nhiên là dù cách nào đi chăng nữa thì họ cũng sẽ có lợi thế và nhanh hơn Android.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-nghe/tinh-nang-truy-vet-covid-19-se-cap-nhat-cho-dien-thoai-cua-ban-theo-cach-nao-1211232.html
Thegioigoicuoc.com
Chuyên trang tư vấn gói cước các nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Thông tin khách quan, đầy đủ và chi tiết.
Gói cước Vinaphone – Gói cước Viettel – Gói cước Mobifone
Post Views: 224