Chuỗi ngày “hưng thịnh” của các loại smartphone có đủ bộ jack cắm tai nghe 3,5 mm, thẻ nhớ, pin rời đánh dấu sự suy tàn từ ngày 24.2.2014.
Vào ngày 24.2.2014, tại sự kiện MWC tổ chức ở Barcelona (Tây Ban Nha), Samsung chính thức giới thiệu smartphone Galaxy S5 – model được đánh giá tốt ở thời điểm đó nhưng dính một lỗi “chí mạng” khi làm từ nhựa. Samsung lập tức chú ý tới vấn đề này và một năm sau, hãng giới thiệu Galaxy S6 với thiết kế liền khối từ kim loại và kính. Sự kết hợp này đã mang tới thành công vang dội và tiếp tục được hãng duy trì cho tới tận ngày nay, khi Galaxy S20 ra mắt.
Galaxy S6 và những thế hệ smartphone sau đó đã đưa Samsung từ một kẻ lạc hậu trong thiết kế smartphone lên vị trí dẫn đầu.
Ngày nay, nhiều nhà sản xuất smartphone đã loại bỏ khe cắm thẻ nhớ, hầu hết thôi sử dụng jack tai nghe 3,5 mm truyền thống. Và tất cả đều từ bỏ thiết kế pin rời.
Trong khi “cái chết” của jack 3,5 mm đến từ từ và được nhiều người bảo vệ, thì pin rời “đột tử” như chỉ sau một đêm. Số phận của thiết kế này được định đoạt ngay khi Samsung chuyển sang dùng khung kim loại với mặt kính, dù LG vẫn “dũng cảm” nỗ lực nhưng chỉ kéo dài được sau đó ít lâu. Năm 2016, LG G5 và V20 là 2 smartphone dòng flagship cuối cùng còn sử dụng pin rời.
Ngày nay, người dùng sẽ dễ dàng bắt gặp ai đó hồi tưởng về những chiếc điện thoại pin rời nhưng ngành công nghiệp smartphone hiện đại đã không còn chấp nhận điều này trong thực tế.
Trang Android Authority đã thực hiện khảo sát với người dùng và trong số 27.000 phiếu được thống kê, có tới 27% người trả lời họ muốn mọi điện thoại đều có thể tháo pin ra (mà không cần tới máy móc hay công cụ chuyên dụng). Trong khi đó 47% cho biết pin rời có cũng tốt, không phải là tính năng không thể thiếu. Chỉ có 26% không quan tâm tới việc có pin rời hay không.
Dù không thể đại diện cho nhiều tỉ người dùng smartphone toàn cầu hiện nay, cuộc khảo sát vẫn cho thấy có 75% người dùng quan tâm hoặc có để ý tới việc điện thoại của họ có pin rời.
LG G5 là một trong những flagship cuối cùng còn sử dụng pin rời |
Những tập đoàn tỉ USD đương nhiên hiểu rõ thị trường và thị hiếu người dùng, họ có các công cụ để hiểu khách hàng của mình tốt hơn những cuộc khảo sát quy mô nhỏ. Nhưng vì sao các doanh nghiệp này ngừng quan tâm tới thiết kế pin rời cho sản phẩm của họ dù người dùng mong muốn?
Thực tế, người dùng quan tâm tới pin rời và mong muốn điều đó nếu vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn smartphone hiện đại. Nói cách khác, họ muốn điện thoại pin rời nhưng sản phẩm đó vẫn phải chống nước chống bụi, có chất lượng thiết kế tuyệt vời, sạc không dây, trọng lượng nhẹ, nhỏ gọn như sản phẩm có thiết kế nguyên khối. Đây là đòi hỏi phi thực tế ở thời điểm 2014 – 2015, nhưng công nghệ đã có nhiều bước tiến dài suốt thời gian qua.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp di động đều thống nhất điện thoại flagship thì phải có thiết kế nguyên khối với khung nhôm, mặt lưng kính. Thiết kế này đã quá thành công, tạo ra doanh thu khổng lồ với hàng trăm triệu smartphone bán ra mỗi năm.
Smartphone liền khối thành công tới mức điện thoại ngày nay trông đều tương tự như nhau và các nhà sản xuất lại đau đầu tìm cách làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt so với phần còn lại của thị trường, đi vào thị trường ngách. Nhờ đó, người dùng biết tới các mẫu smartphone chuyên biệt cho game thủ, cho nhiếp ảnh, người thích quay video, nghe nhạc… hay cả điện thoại cho người chơi tiền ảo.
Nhưng điện thoại cho những người thực dụng, nhóm khách hàng “đốt pin” vào các dịch vụ trên smartphone luôn phải mang theo sạc dự phòng bên mình vẫn còn hiếm. Đã qua thời người ta mang theo đôi viên pin để thay nhanh vào máy mà không cần sạc. Nhưng để thời kỳ smartphone pin rời quay trở lại trên những model flagship có lẽ còn rất xa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-nghe/vi-sao-smartphone-lien-khoi-thong-linh-thi-truong-1238018.html
Thegioigoicuoc.com
Chuyên trang tư vấn gói cước các nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Thông tin khách quan, đầy đủ và chi tiết.
Gói cước Vinaphone – Gói cước Viettel – Gói cước Mobifone
Post Views: 247