Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới và gắn với giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đó là cách làm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên triển khai trong thời gian qua.
Nằm phía Tây Nam tỉnh Điện Biên, huyện Điện Biên có diện tích tự nhiên 163.972,84 ha, có chung đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào dài 171,2 km với 61 cột mốc, có cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc và nhiều đường tiểu ngạch sang Lào.
Điện Biên là huyện được đánh giá có tốc độ phát triển cao nhất của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt có cánh đồng Mường Thanh với diện tích trên 4.000 ha, là cánh đồng rộng nhất vùng Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Với khả năng sản xuất lương thực dồi dào, cánh đồng Mường Thanh là vựa lúa của tỉnh Điện Biên. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện vùng biên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trao đổi với PV ông Nguyễn Hữu Khởi, chủ tịch UBND huyên Điện Biên cho biết: Chúng tôi xác định Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững luôn đi cùng nhau. Trên cơ sở đó, ủy ban huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và ủy ban nhân dân các xã tập trung tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tới toàn thể Nhân dân trong huyện. Bên cạnh, Huyện đã triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa khó khăn, trong đó có thể kể đến một số chương trình như: Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chương trình 135; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… Ðồng thời tranh thủ các chương trình, dự án, nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và kêu gọi sự tham gia đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn vào các hoạt động kiến thiết hạ tầng giao thông, trường học.v.v làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đặc biệt, triển khai kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế như: Hỗ trợ tiền mua cây, con giống; Hỗ trợ tiền khai hoang, phục hóa ruộng nước; hỗ trợ tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng sản xuất…
Cánh đồng Mường Thanh không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp chính của huyện Điện Biên mà còn là vựa lúa của tỉnh Điện Biên. |
Từ năm 2012 đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Điện Biên đã triển khai hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương trên địa bàn giảm nghèo bền vững với tổng số tiền trên 200 tỉ đồng. Trong đó, riêng hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo cho gần 2.000 lượt hộ nghèo với số tiền trên 100 tỉ đồng. Cùng với đó, để tạo cho người dân có công việc ổn định huyện còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.
Vì vậy công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM tại huyện Ðiện Biên đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới nhiều tuyến đường nội bản của huyện được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. |
“Qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, gắn với đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, đến nay huyện Điện Biên đã có 13/21 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt bình quân gần 14 tiêu chí/1 xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân thu nhập đầu người đạt gần 20 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16%. Đến năm 2020, huyện Điện Biên phấn đấu có thêm 5 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.” ông Nguyễn Hữu Khởi nói.
Nhiều cung đường hoa đang xuất hiện trên ở các bản làng vùng cao của huyện Điện Biên. |
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song những kết quả đạt được trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới thời gian qua sẽ là nền tảng, là động lực lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng nông thôn huyện Ðiện Biên; từ đó công cuộc giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Chuyên trang tư vấn gói cước các nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Thông tin khách quan, đầy đủ và chi tiết.
Gói cước Vinaphone – Gói cước Viettel – Gói cước Mobifone